Lịch sử phát triển

14/12/2010

TRƯỜNG CAO ĐẲNG PHƯƠNG ĐÔNG ĐÀ NẴNG

25 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

Năm 1998, tiền thân của Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng là Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Phương Đông đã ra đời theo Quyết định số 2983/1998/QĐ-UB ngày 26 tháng 5 năm 1998 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Năm 2007, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Phương Đông theo Quyết định số 7444/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính thức mang tên Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng theo Quyết định số 926/QĐ-LĐTBXH ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

GS,TSKH. Phan Quang Xưng – Hiệu trưởng

 

Khởi đầu bằng tư duy đột phá

25 năm trước, kinh tế đất nước đang gặp nhiều thách thức trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới; đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng rất khó khăn. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ là 17,8% lực lượng lao động. Tỷ lệ người thất nghiệp tập trung khá nhiều ở lao động trẻ (số người thất nghiệp dưới 34 tuổi chiếm trên 75% lực lượng lao động) và chủ yếu ở thành thị. Nền giáo dục bước đầu thực hiện xã hội hóa, còn nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc; thành phố Đà Nẵng vừa mới được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với nhiều công việc cấp thiết phải thực hiện.

Đất nước hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà đội ngũ lao động chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng thiếu hụt lao động có chuyên môn tốt. Số lượng học sinh phổ thông được phân luồng vào học trình độ trung cấp trở lên ở mức rất thấp và cùng với đó là hàng loạt vấn đề về an ninh trật tự, văn hóa, lối sống, an sinh xã hội cần được giải quyết.

Ngày 21 tháng 8 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP về chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá. Và gần như lập tức, Hội đồng quản trị đã xây dựng đề án thành lập Trường trình các cấp có thẩm quyền. Ngày 26 tháng 5 năm 1998, Trường được thành lập. Đây là cơ sở giáo dục chuyên nghiệp ngoài công lập đầu ra đời theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên. Sự ra đời của Nhà trường vừa thiết thực góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động và chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.

Nhìn lại bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước 25 năm trước, việc thành lập Trường là một quyết định đột phá và đầy trách nhiệm đối với xã hội của Hội đồng quản trị.

Đối diện thách thức

Thách thức đầu tiên là tâm lý phân biệt công - tư trong xã hội ở giai đoạn đó rất nặng nề. Phụ huynh chỉ muốn con em vào học trường công. Các doanh nghiệp, cơ sở tín dụng cũng chú trọng hợp tác với trường công. Người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng người tốt nghiệp trường công. Đội ngũ nhà giáo cũng muốn vào dạy ở trường công.

Bên cạnh đó, tâm lý khoa cử gây áp lực không nhỏ lên đa số phụ huynh và học sinh. Tâm lý đó càng nặng nề hơn bởi xã hội đang chuộng bằng cấp. Ngoài ra, bệnh thành tích ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông làm cho đa số học sinh quan niệm rằng vào đại học là vinh dự, là con đường lập thân duy nhất nên không mặn mà vào học các trình độ thấp hơn.

Là trường tư thục, tự cân đối thu chi, nguồn thu chủ yếu từ học phí. Với tâm lý phân biệt công - tư, tâm lý khoa cử nên những năm đầu tuyển sinh rất khó khăn. Cơ quan quản lý chưa thật sư tin tưởng nên chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm giao cho Trường cũng khá hạn chế. Mặt khác, cơ chế chính sách đối với trường tư thục còn chưa đồng bộ, thống nhất nên nguồn vay tín dụng khó tiếp cận và rất hạn hẹp. Nguồn vốn đầu tư là thách thức tiếp theo phải vượt qua.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết còn non trẻ, chưa qua đào tạo quản lý giáo dục, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Đội ngũ nhà giáo đa số mới tốt nghiệp đại học, có kiến thức chuyên môn tốt nhưng phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm sư phạm còn hạn chế.

Vượt lên khó khăn, vững vàng tiến bước

Đối diện với những thách thức to lớn, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của Hội đồng quản trị; công tác quản lý, điều hành hiệu quả của Ban Giám hiệu, tinh thần đoàn kết, nỗ lực  cán bộ, nhà giáo, nhân viên, Trường đã từng bước ổn định và ngày càng phát triển.

Để nâng cao uy tín đối với xã hội, vượt qua sự phân biệt công - tư, lãnh đạo Nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội bằng các chính sách phát triển cụ thể:

Chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu luôn là chiến lược phát triển trọng tâm của Trường. Hằng năm, Trường đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành cho nhà giáo; tổ chức thao giảng, dự giờ, sinh hoạt học thuật... để trao đổi kinh nghiệm.

Đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ nhà giáo được chăm lo chu đáo. Nhà giáo được hưởng lương cơ bản, phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp độc hại, tiền vượt giờ, chính sách khuyến khích học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền thưởng lễ, Tết, tham quan, du lịch .v.v. Đặc biệt, Trường có chế đãi ngộ đặc biệt để thu hút những người có tài, có tâm về làm việc và cống hiến lâu dài cho sự phát triển của Nhà trường.

Tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học từ 11,4% năm 2008, 17,2% năm 2013, 32,6% năm 2018, đến nay tăng lên 40,8%, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng chuyên môn. Sự phát triển về chất lượng đội ngũ nhà giáo đã tác động tích cực đến chất lượng đào tạo. Tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập khá, giỏi liên tục tăng từ 21,6% năm học 2008 - 2009, 33,4% năm học 2013 - 2014, và 45,7% năm học 2017 – 2018, 66,3% năm học 2022 - 2023. Các ngành: Dược, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô có 100% sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ dạy - học

Những năm đầu thành lập, Trường thuê trụ sở tại địa chỉ số 81 Lý Thái Tổ, sau đó tại số 98 đường Núi Thành, Đà Nẵng. Mặc dù tuyển sinh khó khăn, nhưng với quyết tâm xây dựng bằng được một ngôi trường khang trang, Hội đồng quản trị đã có những phương án tài chính phù hợp. Kết quả của sự quyết tâm đó là năm 2002, ngôi trường tại địa chỉ số 30 - 32 đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng đã được hoàn thành.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên, việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ thực hành, thực tập luôn được nhà trường chú trọng. Trung bình, mỗi năm Nhà trường dành khoảng 15% nguồn thu cho mua sắm, bảo trì thiết bị phục vụ dạy - học. Vì vậy, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ luôn đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo.

Nhà trường đang có phương án thiết kế, thi công cơ sở mới tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Phát triển ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội         

Từ 02 ngành đào tạo đầu tiên, đến nay, Trường đăng ký thực hiện nhiệm vụ đào tạo 13 ngành trình độ cao đẳng, 16 ngành trình độ trung cấp, 18 ngành trình độ sơ cấp và ngắn hạn. Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Trường, thể hiện ở những năm qua, Trường là đơn vị đi đầu trong việc mở các ngành đào tạo mà xã hội cần như: Điện công nghiệp và dân dụng (1999), Tin học Viễn thông, Nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ (2000), Xây dựng cấp thoát nước, Marketing (2001), Điều dưỡng (2007), Y sỹ đa khoa (2008), Dược (2009), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Sư phạm mầm non (2014), Công nghệ kỹ thuật ô tô (2016), Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (2021), Tiếng Nhật (2022), Thư ký y khoa (2023) .v.v. Việc kịp thời mở các ngành đào tạo mới và  liên tục cập nhật, cải tiến nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hành, thực tập đã đảm bảo chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện định hướng chiến lược phát triển của thành phố Đà Nẵng, của các địa phương và các ngành, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người học.

Tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chú trọng giải quyết việc làm cho người học

Đáp ứng yêu của thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là phương châm đào tạo xuyên suốt của Nhà trường nhiều năm qua. Trường luôn giữ mối quan hệ mật thiết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các bệnh viện, các đơn vị hành chính sự nghiệp .v.v. để đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, thực hành, thực tập.

Trường đã ký kết hợp đồng với tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế, quận, huyện, các trạm y tế xã, phường tại thành phố Đà Nẵng và các bệnh viện quy mô hơn 200 giường tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên để sinh viên các ngành: Điều dưỡng, Y sĩ đa khoa, Dược thực tập lâm sàng, thực tập tốt nghiệp; liên kết đào tạo với Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) để sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô thực hành trên dây chuyền công nghệ hiện đại, được bố trí thực tập tại Khu phức hợp Ô tô Trường Hải; ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp du lịch lớn tại Đà Nẵng và các trung tâm du lịch tại miền Trung, Tây Nguyên để sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Nghiệp vụ Lễ tân, Nhà hàng, Lưu trú .v.v. thực hành, thực tập, được trực tiếp tham gia vào các hoạt động  du lịch khi còn đang học. Bên cạnh đó, Nhà trường tích cực đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp trong việc cử giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập, trao đổi kinh nghiệm; đặc biệt là hợp tác với doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng.  

Sự gắn kết này đã giúp cho chương trình đào tạo của Trường luôn theo kịp những thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển của xã hội; đồng thời, được doanh nghiệp hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ nhà giáo, khai thác, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo của Nhà trường. Vì vậy, kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành, tác phong, thái độ làm việc của người học đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, không ít sinh viên được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Nhà trường đã cử nhiều lượt cán bộ quản lý, nhà giáo đến các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp của các nước tiên tiến để nghiên cứu, trải nghiệm; qua đó, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của nước ngoài. Đồng thời, Nhà trường cũng mời chuyên gia, tiếp nhận tình nguyện viên nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ. Trên cơ sở những thỏa thuận hợp tác được ký kết, Nhà trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài triển khai có hiệu quả các chương trình thực tập, Internship và đào tạo liên thông trình độ đại học; mang đến nhiều cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài cho sinh viên.

Những năm gần đây, Nhà trường đã hỗ trợ tìm được việc làm cho hơn 70% sinh viên có nhu cầu. Ngoài ra, nhiều năm qua, thầy cô giáo của nhà trường đã là một nhịp cầu đến với việc làm của người học. Nhiều thầy cô, trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập đã chủ động tìm kiếm việc làm giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, là biểu hiện chân thực, cụ thể về tình thương và trách nhiệm của thầy cô giáo đối với người học.

Trường đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là của châu Âu và Nhật Bản để tạo điều kiện cho sinh viên của Trường được học tập nâng cao trình độ và làm việc với thu nhập cao tại các nước nói trên. Những sinh viên của Trường đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Singapore và một số nước khác là khẳng định mạnh mẽ về uy tín, chất lượng đào tạo của Trường, là kết quả đáng trân trọng trong hợp tác quốc tế vì việc làm, thu nhập của người học.

25 năm nỗ lực không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo Nhà trường, của thầy và trò, Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiến những bước vững chắc về mọi mặt. Trường đã cung cấp cho xã hội gần 50.000 cán bộ chuyên môn làm việc trên mọi miền đất nước và trở thành đơn vị đào tạo có uy tín đối với xã hội. Trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương.

Có thể nói, sự ra đời và phát triển của Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng là minh chứng khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước; sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp đào tạo, sự nhạy bén, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và những quyết sách phù hợp của lãnh đạo Nhà trường.

25 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên của Trường đã và đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, thầy và trò Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng tiếp tục thắp sáng ngọn lửa quyết tâm, luôn đoàn kết, phấn đấu, nêu cao trách nhiệm với xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực vì sự phát triển của đất nước./.

 

GS,TSKH. Phan Quang Xưng

              Hiệu trưởng

 


TÌM KIẾM:
NGÀNH ĐÀO TẠO
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
  • Tư vấn trực tuyến 1
  • Tư vấn trực tuyến 3
THĂM DÒ Ý KIẾN

Bạn biết thông tin về trường qua nguồn thông tin nào?

Kết quả

Email